1. Nguồn gốc, quá trình phát triển và truyền bá đến Việt Nam

Tín ngưỡng Ma Tổ – Thiên Hậu (Mazu – Tianhou) hình thành tại đảo Mi Châu, Phổ Điền, Phúc Kiến (Meizhou, Putian, Fujian) vào thời Tống ở Trung Quốc. Bà tên thật là Lâm Mặc (林默 Lin Mo) thường được gọi là Lâm Mặc Nương (林默娘 Lin Moniang), sinh ngày 23 tháng 3 năm 960, là một nữ shaman nổi tiếng (Mã Thư Điền, Mã Thư Hiệp 2006: 8-10). Bà vốn là người Đản Dân (Tangka, còn gọi là Long nhân (龙人người Rồng), Giao nhân (鲛人) – một nhánh hậu duệ người Mân Việt (闽越Minyue) cổ chuyên sống bằng nghề cá và trao đổi hàng hóa trên sông, biển.

Thư tịch Trung Quốc Đại Thanh hội điển sự lệ, Bồ Tát ngoại truyện, các sách địa phương chí v.v. có ghi chép: bà Lâm Mặc rất thông minh, tháo vát, giúp dân vượt hoạn nạn và dạy dân cách sống văn minh, thoát bệnh tật. Một ngày nọ bà ngủ trưa, thấy cha và anh trai gặp bão biển, bà dùng năng lực đặc biệt cứu được anh trai. Trong khi đang cố gắng cứu cha thì bà bị mẹ lay dậy nên không cứu được cha. Về sau bà thường dùng năng lực thần thánh của mình để cứu giúp dân, bao gồm dạy dân dùng rau rong biển cứu đói, cầu mưa, treo chiếu làm buồm, hàng phục hai thần Thuận Phong Nhĩ và Lí Thiên Nhãn, giải trừ thủy tai – quái phong, thu phục nhị quái, chữa bệnh cứu dân, nhận bùa dưới giếng, thăng thiên ở đảo Mi Châu v.v. (Phan Thị Hoa Lý 2010). Bà qua đời đời ngày 9 tháng 9 năm 987 ở tuổi 28. Người đời tin rằng bà là con gái Ngọc hoàng, ban đầu dân ở đảo Mi Châu dựng miếu thờ bà, gọi là miếu Ma Tổ. Tương truyền bà thường hiển linh cứu giúp người đi biển nên dân gian ví bà là vị hải thần([1]) (Chu Thiên Thuận 1990: 86; Lý Lộ Lộ 1995: 19-23 ; La Xuân Vinh 2006: 1-4)).

Đến năm 1086, nhà Nam Tống chính thức cổ xúy cho tín ngưỡng này, nhờ vậy phạm vi ảnh hưởng càng ngày càng mở rộng. Đến thời Nguyên, Ma Tổ được phong làm Thiên phi (天妃, năm 1354), từ đó tín ngưỡng Ma Tổ phát triển lên vùng hạ lưu Dương Tử, bán đảo Sơn Đông. Từ thời Minh trở về sau do nhu cầu giao thương hàng hải với khu vực Đông Nam Á, tín ngưỡng này truyền bá xuống Lĩnh Nam, Đài Loan và Đông Nam Á. Đời Thanh Khang Hy 1682 , bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu. Tên gọi đặc khu hành chính Macau được cho là bắt nguồn từ danh từ “Ma Các” (妈阁 = miếu Ma Tổ). CuốnMa Tổ Cung Tập Thành (妈祖宫集成) ghi chép tại Trung Quốc có hơn 450 huyện, thị, thành phố có miếu Thiên hậu. Người Mân Nam (nam Phúc Kiến) và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu hoặc Ma Tổ (妈祖Mazu), người Quảng Đông gọi là Đức Bà hay Thiên Hậu.

Tín ngưỡng Thiên Hậu tại Trung Quốc trải qua gần 1000 năm lịch sử, tồn tại trong mối dung hòa với Đạo giáo, Phật giáo và quan hệ thỏa hiệp với Nho giáo, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Hoa Nam rất đặc sắc (La Xuân Vinh 2006). Song xét về bản chất, tục thờ này cơ bản vẫn là tín ngưỡng dân gian, mang đầu đủ các đặc trưng truyền thống của dòng văn hóa dân gian phương Nam gần gũi, giản dị. Ở một phương diện nào đó, người Nam Trung Hoa dùng tín ngưỡng Thiên Hậu cùng với các tín ngưỡng thờ Mẫu khác([2]) làm đối trọng với kiểu văn hóa quan phương“nam tôn nữ ti” phương Bắc (Nguyễn Ngọc Thơ 2011). Điều đó có nghĩa là, tín ngưỡng Thiên Hậu thấm đẫm các đặc trưng văn hóa phương Nam, đặc biệt và văn hóa Mân Nam – nơi sản sinh ra nó.

Người Trung Quốc và Đài Loan thờ Thiên Hậu, coi bà là thủy-hải thần, là nữ thần hộ mệnh; nữ thần sinh sôi, nữ thần khai sơn v.v., thi thoảng đồng nhất với Quan âm trong Phật giáo, Tây vương Thánh mẫu trong Đạo giáo, với Lâm Thủy phu nhân, Kim Hoa phu nhân trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Hoa Nam.

Tín ngưỡng Thiên Hậu du nhập vào Nam Bộ Việt Nam theo dòng di dân người Hoa vào thời Minh – Thanh, đặc biệt là cuối Minh – đầu Thanh. Đợt 1 vào khoảng thập niên 1660, có khoảng 7000 người Hoa Nam do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên (người Quảng Đông) dẫn đầu vào định cư tại Đồng Nai, Đề Ngạn (Chợ Lớn) và Mỹ Tho.Đợt thứ 2 do Mạc Cửu dẫn đầu khai phá đất Hà Tiên, sau phát triển dần xuống bán đảo Cà Mau. Từ cuối thể kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 20, nhiều dòng di dân người Hoa người tiếp tục đến vùng Nam Bộ, đặc biệt vào cuối thế kỷ 19, Việt Nam làm thuộc địa của Pháp, các hiệp ước Pháp – Thanh năm 1885 và 1886 đã mở ra nhiều cơ hội để người Hoa di dân đến Việt Nam. Từ đó trở đi, đồng bào người Hoa đã chung sống chan hòa cùng các cộng đồng bản địa gồm Việt, Khmer và Chăm, cùng tạo dựng văn hóa Nam Bộ. Hiện tại toàn Nam Bộ có khoảng 800.000 người dân tộc Hoa (2009), phân thành 5 nhóm hệ dân Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (còn gọi là Hẹ). Người Quảng Đông tập trung chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và một số thành phố, thị xã lớn ở Tây Nam Bộ; người Triều Châu cư trú nhiều nhất ở bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); người Phúc Kiến và người Hải Nam sinh sống rải rác khắp vùng miền; người Khách Gia định cư rải rác ở Biên Hòa và khu vực hai bên sông Tiền, sông Hậu, nhiều nhất là Long Xuyên. Ban đầu cả 5 hệ dân cùng phối hợp nhau dựng các Thất phủ cổ miếu (Cù lao Phố, Tp. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Vĩnh Long v.v.) chủ yếu thờ Thiên Hậu, Quan Công, nhưng sau từng nhóm tách riêng tự xây cất các miếu cho riêng mình.

Trên đường đi biển, họ thường cầu nguyện Bà hiển linh hỗ trợ. Khi định cư được bình an tại vùng Nam Bộ, di dân lập miếu trang trọng thờ Bà, ngưỡng vọng và thờ tự Bà với tấm lòng biết ơn đã giúp đỡ họ được“thuận buồm xuôi gió”. Theo dòng di dân đến khắp nơi ở Nam Bộ, miếu Thiên Hậu cũng được dựng lên. Về sau, người Hoa còn thờ Bà thêm chức năng bảo an, ban phát phúc lộc, thịnh vượng, đặc biệt là hộ mệnh cho trẻ sơ sinh (Trần Hồng Liên 2005). Chính vì thế rải rác ở các thị tứ, thị trấn, thành phố tại vùng đất Nam Bộ đều có miếu Thiên Hậu với nhiều tên gọi Chùa Bà, Chùa Thiên Hậu, Thiên Hậu Cung hay miếu Thiên Hậu. Vùng Bạc Liêu, Cà Mau còn gọi Thiên Hậu là Mã Châu (妈祖Mazu), do vậy miếu Thiên Hậu còn gọi là Chùa Bà Mã Châu 妈祖婆寺(tư liệu điền dã 2011). Vùng Sóc Trăng cũng gọi là Ma Tổ, phong cách tác tượng thờ mang nét ảnh hưởng từ Macau và Đài Loan, Ma Tổ gương mặt đen với tay cầm lệnh bài đưa ngang vai (Trần Hồng Liên 2006).

2.Hiện trạng tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam

Nam Bộ là một trong sáu vùng văn hóa của cả nước (Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ, Trường Sơn-Tây Nguyên và Nam Bộ), có thể chia tiếp thành hai tiểu vùng gồm vùng Đông Nam Bộ (Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) với kiểu loại hình kinh tế – văn hóa lấy rừng cao su, cây công nghiệp và lối sống đô thị – thương mại làm trọng tâm; và tiểu vùng Tây Nam Bộ (gồm 13 tỉnh thành đồng bằng Sông Cửu Long là Tp. Cần Thơ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) với các đặc trưng lối sống sông nước, lấy kinh tế nông nghiệp lúa nước và nghề nuôi trồng thủy hải sản làm chủ đạo.

Nam Bộ Việt Nam là nơi tập trung đồng bào người Hoa đông đảo nhất (chiếm gần 90% tổng số người Hoa), và do vậy đây là nơi có số miếu Thiên Hậu đông đúc nhất cả nước. Hầu hết các miếu tại đây được xây từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, đúng vào các cao trào di cư. Dưới đây là bảng tổng kết số các miếu Thiên Hậu tại các địa phương Nam Bộ([3]):

STT
Tỉnh/thành phố
Số miếu
Tên gọi/Địa chỉ
1
Bình Dương
5
Miếu Thiên Hậu Phú Cường (TX. Thủ Dầu Một),Miếu Thiên Hậu tại P. Lái Thiêu (Thuận An),
Miếu Thiên Hậu tại Búng (Thuận An),
Miếu Thiên Hậu tại Bưng Cầu,
Miếu Thiên Hậu tại thị trấn Dầu Tiếng
2
Bà Rịa – Vũng Tàu
2
Chùa Bà Bà Rịa,Miếu Bà Ngũ Bang Tp. Vũng Tàu
3
Đồng Nai
2
Miếu Cây Quăn (Bửu Long, Biên Hòa),Miếu Thiên Hậu Hòa Bình (Hòa Bình, Biên Hòa)
4
Tây Ninh
6
Miếu Thiên Hậu (Trần Hưng Đạo, TX. Tây Ninh),Minh Nghĩa hội quán,
Thất Phủ Hòa An Hậu Minh hương hội,
Miếu Gia Gòn (Thanh Điền, Châu Thành),
Miếu Thanh An (Thanh Phước, Gò Dầu),
Miếu Nhị Phủ (Trảng Bàng).
5
Bình Phước
6


Tp. Hồ Chí Minh
13
Miếu Tuệ Thành (710 Nguyễn Trãi, Q.5),Ôn Lăng (12 Lão Tử, Quận 5),
Hà Chương (802 Nguyễn Trãi Quận 5),
Quỳnh Phủ (276 Trần Hưng Đạo Quận 5),
Tam Sơn hội quán (116 Triệu Quang Phục Quận 5),
Quần Tân hội quán (2 Lý Thường Kiệt, Gò Vấp),
Miếu Thiên Hậu hội quán Quảng Triệu (132 Nguyễn T. Minh Khai Q.3),
Miếu Xóm Chiếu (Q. 4),
Hội quán Quảng Triệu (122 Bến Chương Dương cũ, nay là Đại lộ Đông Tây, Q. 1),
miếu Thiên Hậu Chợ Quán,
miếu Thiên Hậu số 21 Lê Trực (Bình Thạnh),
miếu Thiên Hậu Cần Thạnh (Cần Giờ),
chùa Bà Thiên Hậu Trung Đông (Thới Tam Thôn, Hóc Môn)
7
Long An
8
Tiền Giang
3
Miếu Thiên Hậu Mỹ ThoMiếu Thiên Hậu Cai Lậy
Miếu Thiên Hậu Cái Bè (hiện bỏ hoang)
9
Đồng Tháp
2
miếu Thiên Hậu Phúc Kiến (Sa Đéc)miếu Thiên Hậu Quảng Đông (Sa Đéc)
10
Bến Tremiếu Thiên Hậu Giồng Trôm,miếu Thiên Hậu Ba Tri,
miếu Thiên Hậu Tp. Bến Tre
11
Vĩnh Long
2
Thất phủ cổ miếu Vĩnh LongMiếu Thiên Hậu Ba Càng
12
Trà Vinh
3
Phước Minh cung (Tp. Trà Vinh)Miếu Thiên Hậu Phong Phú (Cầu Kè),
Miếu Thiên Hậu Hiệp Hòa (Cầu Ngang).
13
An Giang
2
miếu Thiên Hậu Khách Giamiếu Thiên Hậu Vĩnh Mỹ (Châu Đốc)
14
Kiên Giang
3
Miếu Thiên Hậu Rạch GiáThiên Hậu Cung Rạch Giá
Miếu Thiên Hậu Hà Tiên
15
Cần Thơ
3
Hội quán Quảng Triệu tại Ninh Kiều,Miếu Thiên Hậu Cái Răng,
Miếu Thiên Hậu Ô Môn
16
Hậu Giangchưa thống kê
17
Sóc Trăng
5
Miếu Thiên Hậu Tp. Sóc Trăng,Miếu Thiên Hậu TX. Vĩnh Châu,
Hải Phước An Tự (Vĩnh Châu),
Miếu Thiên Hậu Mỹ Xuyên,
Chùa Bà An Hiệp (Châu Thành)
18
Bạc Liêu
3
Vĩnh Triều Minh hội quán (Tp. Bạc Liêu),Miếu Thiên Hậu Vĩnh Trạch (Tp. Bạc Liêu),
Miếu Thiên Hậu Gành Hào (Gành Hào)
19
Cà Mau
6
Miếu Thiên Hậu Triều Châu (P.2, Tp. Cà Mau),Miếu Thiên Hậu Phúc Lãnh (Tp. Cà Mau),
Tam Hưng cổ miếu (ngoại vi Tp. Cà Mau),
Miếu Thiên Hậu Sông Đốc (Trần Văn Thời),
Miếu Miếu Thiên Hậu xã Phú Hưng (Cái Nước)
Miếu Thiên Hậu thị trấn Thới Bình (Thới Bình)
Tổng cộng
60

Có thể thấy có hai khu vực tập trung miếu Thiên Hậu đông đảo nhất, đó là vùng đô thị Đông Nam Bộ (Tp. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Biên Hoa) của nhóm người Hoa gốc Quảng Đông; và hai là vùng bán đảo Cà Mau do nhóm người Hoa gốc Triều Châu và Phúc Kiến xây dựng.

Đối với đồng bào người Hoa, miếu Thiên Hậu được coi là “ngôi nhà chung”, do vậy miếu thường được xây dựng bề thế, trang trí công phu. Nói về các hội quán Hà Chương, Ôn Lăng của người Phúc Kiến, nhà thơ Nguyễn LiêmPhong trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909) đề thơ:
Hà Chương Hội quán ai bì

Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba.

Các chùa còn lắm xa hoa,

Thờ ông Phước Đức, thờ bà Thai Sanh.

Thiên hậu thánh mẫu rất linh,

Quan công thánh đế lịch xinh tượng hình…
Tại hầu hết các miếu Thiên Hậu ngoài đối tượng được thờ ở chính điện thì người ta còn phối thờ nhiều vị thần khác. Chẳng hạn tại miếu Tuệ Thành (710 Nguyễn Trãi, Q.5 Tp. Hồ Chí Minh) ngoài chính điện thờ 3 tượng Thiên Hậu([4]), hai bên tả hữu thờ Kim Hoa phu nhân([5]) và Long mẫu nương nương([6]). Miếu Thiên Hậu tại đường Trần Hưng Đạo, TX. Tây Ninh cũng phối thờ như vậy. Miếu Thiên Hậu Bình Dương thờ Thiên Hậu, Ngũ hành nương nương và Phúc Đức chính thần. Miếu Thiên Hậu tại Tp. Vĩnh Long thì thờ Thiên Hậu và Kim Hoa phu nhân. Ở miếu Ông Lăng (12 Lão Tử, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh), ngoài thờ Thiên Hậu Thánh mẫu còn thờ Phước Đức chính thần, bà chúa Thai sanh, Ngọc hoàng thượng đế, phật Quan âm (Guanyin 观音), Bao Công (Bao Gong 包公), Thành hoàng(Cheng Huang shen城隍神). Tại Hội quán Quảng Triệu (122 Bến Chương Dương) ngoài Thiên Hậu còn thờ thêm 22 đối tượng khác([7]). Ngoài ra, ở một số miếu thờ Quan Công hay Bắc Đế cũng có phối thờ bà Thiên Hậu, chẳng hạn tại miếu Ông Bắc (thờ Bắc Đế) và miếu Quan Công ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (tư liệu thực tế 2012).

Tại tiểu vùng Tây Nam Bộ có hiện tượng người dân (kể cả người Hoa và người Việt) thờ Thiên Hậu ở gia đình, chẳng hạn tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), một số cư dân địa phương phối thờ Thiên Hậu Thánh mẫu cùng với tổ tiên gia đình. Ngoài ra, trong một số cơ sở tín ngưỡng thờ các vị thần khác nhưng vẫn phối thờ Thiên Hậu, chẳng hạn tại Hội quán Nghĩa An (đường Nguyễn Trãi, F. 11, Q. 5, Tp. Hồ Chí Minh) ngoài thờ chính là Quan Công còn thờ Thiên Hậu.

Hầu hết các miếu Thiên Hậu đều mở hội vía bà trong tháng ba, lễ vía chính thường diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng ba âm lịch. Ngày 22 người ta tổ chức lễ mộc dục (沐浴 Bathing) để tắm tượng, thay xiêm y mới và chuẩn bị các công tác cần thiết cho đại lễ ngày hôm sau. Ngày 23 tháng ba, mọi người tổ chức lễ rước bà, thỉnh tượng vào kiệu và cung nghinh kiệu đi quanh phố phường. Người giàu mua heo quay, bộ đồ lễ, đồ nữa trang bằng kim loại dâng cúng. Người nghèo hơn thì cúng gà và trái cây. Ngày 23 tháng ba thường có hát Triều 潮戏, hát Quảng 粤戏hay biểu diễn Côn Khúc 昆曲. Riêng miếu Tuệ Thành (Tp. Hồ Chí Minh) ngày 28 tháng chạp hằng năm có thêm lễ khai ấn và phát ấn cho dân để cầu mong “quốc thái dân an 国泰民安”, “như ý cát tường 吉祥如意”, “hợp gia bình an合家平安” v.v. (Trần Hồng Liên 2005). Người Hoa và người Việt có tục “vay tiền” bà Thiên Hậu vào ngày rằm tháng Giêng (tết Nguyên tiêu ở người Hoa, tết Thượng nguyên ở người Việt) và “trả tiền vay” vào các tháng cuối năm.

Trong lễ hội người Hoa trước đây tổ chức rất nhiều nghi thức, trong đó không thể thiếu nghi thức cung nghinh Thánh mẫu dạo phố phường([8]). Đa số các miếu tổ chức múa lân – múa rồng cung nghênh. Đặc biệt tại miếu Thiên Hậu Bình Dương, người Hoa Phúc Kiến có tổ chức múa hẩu. Đây là nét văn hóa độc đáo duy chỉ có ở Bình Dương, trong khi đó ở Hoa Nam người ta không còn múa hẩu nữa. Đầu con hẩu là một chiếc mặt nạ tròn rất hung tợn, được vẽ nhiều màu sắc, quanh đầu râu ria xồm xàm, thân phủ một tấm vải màu vàng rực, đuôi thường làm bằng đuôi trâu hoặc bò. Múa hẩu khác với múa lân, hay múa rồng, không được trèo leo hay nhún nhảy vui nhộn, mà phải nghiêm trang, đầu rướn lên cao, xoay mặt qua lại, lúc thì co lượn, trườn dài, lăn tròn xuống đất. Khi tổ chức rước Thiên Hậu du xuân, múa hẩu đi trước đê dọn đường (Lý Phát, Đỗ Tiến: www.sugia.vn).


Múa hẩu ở Bình Dương

Xét theo chiều dài lịch sử, tín ngưỡng Thiên Hậu có mặt tại Nam Bộ Việt Nam đã 300 năm nay, song chỉ khoảng hai thập niên cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 này thì mối quan hệ giao lưu văn hóa Hoa – Việt thể hiện qua tục thờ này mới phát triển đến đỉnh cao. Suốt thời Nguyễn, thời Pháp thuộc và thời chống Mỹ, tín ngưỡng Thiên Hậu tồn tại âm thầm trong cộng đồng người Hoa, tuy người Việt có tham gia các hoạt động cúng bái song không mang tính chất hệ thống. Kể từ sau khi đất nước cải cách mở cửa, nền kinh tế thị trường đã làm cuộc sống cư dân Nam Bộ đổi thay, tiến bộ thì người Việt tại đây bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tín ngưỡng thờ Thiên Hậu. Vào các dịp tết Xuân, Rằm tháng Giêng, Lễ vía bà tháng 3, Rằm tháng 7, Rằm tháng 10 v.v., rất nhiều người Việt theo nhiều tôn giáo khác nhau tham gia viếng Bà hay “vay tiền” Bà. Có thể nói, hiện rất khó có thể phân biệt tách bạch sắc thái Hoa và Việt qua các hoạt động lễ hội bởi sự dung hợp hài hòa sâu sắc giữa hai dòng văn hóa này. Qua bước đầu khảo cứu, chúng tôi cho rằng hiện tượng tham gia ngày càng sâu sắc hơn của cộng đồng người Việt trong tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có:

(1)Truyền thống thờ nữ thần vốn rất phổ biến trong văn hóa Việt tạo tiền đề để người Việt dễ dàng tiếp nhận tục thờ Thiên Hậu khi phù hợp (giống như trường hợp tích hợp văn hoá Việt-Chăm-Khmer trong các tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) và Bà Chúa Xứ tại Nam Bộ);
(2)Qua gần 300 năm tồn tại, người Việt thường chỉ nghĩ rằng Thiên Hậu là một vị phúc thần, vị thánh mẫu ban phát phúc lành, thịnh vượng, sung túc hơn là một vị hải thần[9]; và do vậy việc tiếp nhận tục thờ hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng đời sống văn hóa tâm linh;
(3)Truyền thống đa thần của người Việt cùng với tính cách mở – thoáng của người Việt Nam Bộ đã giúp họ sẵn sàng đón nhận một vị nữ thần mới;
(4)Một bộ phận người Hoa ở đô thị làm thương mại, dịch vụ trở nên giàu có, nhiều người Việt cho rằng Thiên Hậu Thánh mẫu đã ban phúc lành ấy, do vậy một bộ phận người Việt có xu hướng tiếp nhận phong cách văn hóa tín ngưỡng của người Hoa;
(5)Sau chiến tranh, văn hóa người Hoa hội nhập sâu rộng hơn vào dòng văn hóa chủ lưu của người Việt tại Nam Bộ.
(6)Có hiện tượng người Việt tiếp nhận Thiên Hậu qua lăng kính của Phật giáo, tức coi Thiên Hậu là/hoặc tương đương một vị Phật bà hay Bồ tát.