Tào Tháo là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc nhưng suốt một thời gian dài, người đời sau có cái nhìn sai lệch về tính cách và con người ông.
Phác họa hình ảnh Tào Tháo.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.
Cuối thời Đông Hán và giai đoạn Tam quốc, là quãng thời gian đầy biến động trong lịch sử Trung Quốc. Nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng thời kỳ này được phác họa với ảnh hưởng nặng nề của quan niệm văn hóa dân gian Trung Quốc.
Trong số đó có Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Quan Vũ của nhà Thục Hán, Chu Du của nhà Đông Ngô và Tào Tháo, người đặt nền móng cho sự hình thành nhà Ngụy.
Tào Tháo được phác họa giống như một nhà lãnh đạo tàn nhẫn, chiến binh đáng sợ trong suốt một thời gian dài trong lịch sử.
Ngày nay, các học giả Trung Quốc có cái nhìn công bằng hơn, cuối cùng Tào Tháo được ghi nhận là nhà chính trị vĩ đại có tầm nhìn xa và năng lực quản lý tốt, bên cạnh tài năng về văn học và quân sự. Ông cũng được ghi nhận là người có lòng khoan dung, độ lượng.
Bối cảnh lịch sử
Tào Tháo sinh năm Đông Hán Vĩnh Thọ nguyên niên (155), mất vào năm Kiến An thứ 25 (năm 220). Sinh ra trong thời bình và lớn lên trong thời loạn, Tào Tháo đã chứng kiến toàn bộ quá trình hủ bại của triều đình nhà Hán.
Bất chấp nguy cơ bị giáng chức, Tào Tháo từng dâng sớ tâu bày điều hay lẽ phải, bảo vệ người ngay chính, ngăn cản kẻ xấu. Đáng tiếc rằng, mọi nỗ lực can gián đều thất bại. Hoạn quan tiếp tục lộng hành, làn sóng cải cách bị ngăn chặn.
Hàn Triều mục nát, Tào Tháo một mình nhất thống thiên hạ,
Sau khi Hán Linh đế chết, Đại tướng quân Hà Tiến bị hoạn quan giết, Đổng Trác thừa cơ hoành hành, xóa bỏ sự tôn nghiêm của Hán triều. Năm 189 Tào Tháo về đến Trần Lưu, phát tán gia tài, tập hợp nghĩa binh, chuẩn bị tru diệt Trác.
Không lâu sau đó, Tào Tháo gia nhập liên quân của Viên Thiệu và 18 chư hầu, thảo phạt nghịch tặc Đổng Trác.
“Tru diệt nghịch tặc, phục hưng xã tắc” ngỡ tưởng là chuyện cao cả, phàm ai là phe chính nghĩa cũng đều muốn làm, nhưng thực tế không phải như điều Tào Tháo kỳ vọng.
Thua trận, Tào Tháo quay về đại bản doanh chỉ thấy liên quân “ngày ngày uống rượu, chẳng mưu tính tiến thủ”. Triều đình Đông Hán làm Tào Tháo thất vọng. Nhưng những con người “phục hưng” Hán triều mới thật sự khiến Tào Tháo tâm tàn ý lạnh.
Có lần, Tào Tháo đã thẳng thắn phê bình: “Các ông ôm mối ngờ vực không chịu tiến, làm mất lòng trông ngóng của thiên hạ, vì các ông mà ta cảm thấy xấu hổ”.
Đám quân ô hợp về sau còn quay sang tàn sát lẫn nhau nhằm chiếm địa bàn, khiến Tào Tháo thất vọng mà hiểu ra rằng, không thể trông đợi bất cứ ai mà mình phải tự gây dựng quyền lực, nếu không mọi mong muốn cải cách mãi chỉ là kế hoạch.
Kể từ đó, con đường Tào Tháo tách ra khỏi liên quân Viên Thiệu. Ông bắt đầu chiêu binh mãi mã, chiếm đất, chiếm thành, rồi sau đó nhờ may mắn mà có thể lập công trạng, trở thành Thừa Tướng nhà Đông Hán. Khi đã thâu tóm quyền lực, Tào Tháo đã có thể mỉm cười vì ước muốn thống nhất thiên hạ bấy lâu nay đã có hy vọng trở thành hiện thực.
Từ những chiến thắng về mặt quân sự, Tào Tháo cũng từng bước đi xa hơn trên con đường thâu tóm quyền lực. Năm 213, ông ép Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho Cửu tích. Năm 216, đánh Trương Lỗ xong, Tháo được “từ tước Công thành Ngụy vương”, hưởng các đặc quyền như “triều bái không phải xưng danh”, “vào triều không phải rảo bước”, được “đeo kiếm lên điện”, thậm chí được “đội mũ miện có mười hai tua, đi xe sáu ngựa kéo”.
Năm 220, chỉ vài tháng sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi ép Hiến đế nhường ngôi, nhà Ngụy chính thức thay thế nhà Hán.
Tào Tháo bị người thời xưa “vùi dập”
Tào Tháo trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Vì bên trong con người Tào Tháo có rất nhiều mặt nên người đời sau cũng có những đánh giá rất khác về ông.
Tào Tháo trọng lợi hơn trọng đức, dùng người cốt hiệu quả không tính đến phẩm chất đã khiến cho nhà Ngụy suy vong nhanh chóng sau khi ông qua đời. Nếu như Tào Ngụy có thể tồn tại một giai đoạn dài trong lịch sử Trung Quốc, người đời sau có thể có cái nhìn khác về Tào Tháo.
Các học giả Trung Quốc sau này đã nhìn nhận lại về việc Tào Tháo bị người thời xưa “vùi dập”. Thứ nhất, Tào Tháo vi phạm tư tưởng nho giáo “trung quân”.
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, đối nhân xử thế khó xử lý nhất là quan hệ quân thần. Cái lẽ làm bạn vua như cưỡi trên lưng hổ, "vua muốn bề tôi phải chết, bề tôi không chết là bất trung", ấy là quan niệm luân lý thời phong kiến.
Đứng trước cảnh nước nguy nan, Tào Tháo cảm nhận rõ thiên tử là một nhân vật nguy hiểm, nhưng cũng lại là nhân vật trọng yếu. Do vậy, ông đem vị tiểu hoàng đế mới vỏn vẹn có 16 tuổi Lưu Hiệp (Hán Hiến Đế), đến căn cứ địa ở Hứa Xương, dùng chính sách “phụng mệnh Thiên tử để ra lệnh”. Hậu thế cho rằng đó là cách Tháo, “kìm kẹp thiên tử, dùng danh nghĩa mà phát lệnh cho kẻ dưới”.
Cách hành xử của Tào Tháo đã uy hiếp nền chính trị của vương triều phong kiến Trung Quốc khi đó. Do vậy từ triều Tống trở về sau, các hoàng đế trong lịch sử ít khi khen ngợi Tào Tháo. Ngược lại, Quan Vũ được xem là hóa thân của con người trung nghĩa, được đưa lên tôn sùng tột bực. Vua Càn Long đời Thanh thậm chí còn phong Quan Vũ làm Quan Đế, lập đền thờ cúng ở khắp nơi.
Tào Tháo suốt một thời gian dài bị người thời xưa "vùi dập". Ảnh minh họa.
Thứ hai, Tào Tháo còn vi phạm tư tưởng nho giáo “Dân vi quý”. Tào Tháo có quan điểm: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với chủ trương của Lưu Bị: "thà chết chứ không làm điều bất nghĩa".
Với quan niệm này, sau khi giết nhầm người nhà Lã Bá Sa vì thấy họ mài dao giết lợn, tưởng họ định giết mình thì ông đã nhẫn tâm giết nốt Bá Sa vì sợ mình bị tố cáo.
Thứ ba, tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung và các bản dịch Trung Quốc sau này đều theo chủ nghĩa ủng hộ Lưu Bị, đề cao Gia Cát Lượng mà quên đi vai trò chính của Tào Tháo trong việc ngăn chặn cục diện đại loạn cuối thời Đông Hán.
Góc nhìn công bằng hơn về Tào Tháo
Khi đọc cuốn Tư trị thông giám, biên niên sử nổi tiếng của Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng viết: “Nói Tào Tháo là gian thần mặt trắng ấy là bản án oan mà quan niệm chính thống của nền chính trị phong kiến đã tạo tác nên, bản án này cần phải được lật lại.”
Có thể nói, Tào Tháo đã vận dụng linh hoạt các phép tắc quân sự của Trung Hoa cổ đại. Trong thời gian 25 năm nắm quyền (196-220), Tào Tháo đã bình định hết các chư hầu phương bắc, xây dựng chính quyền Tào Ngụy. Để có được như vậy, ông đã sáng suốt chọn người tài, rộng lượng không tính đến thù riêng.
Tào Tháo đã vận dụng khá nhiều tư tưởng Pháp gia, đề cao tài trí, coi trọng năng lực mà không quá quan tâm đến đạo đức phẩm chất của người được sử dụng.
Tào Tháo được các học giả Trung Quốc ngày nay nhìn nhận một cách công bằng hơn. Ảnh minh họa.
Ngoài đóng góp về chính trị và quân sự, các học giả Trung Quốc cũng kể tới đóng góp của Tào Tháo trong khôi phục nông nghiệp thời loạn lạc.
Thời chiến, nhiều chư hầu không nghĩ tới sự sống chết của nông dân: khi cần lương thực thì lùng sục để giành lấy, nhưng sau khi có được lại phung phí, đến nỗi khi không còn lương thực để cướp đoạt thì tự suy yếu tan rã.
Trong khi đó, chính sách đồn điền của Tào Tháo đã góp phần khôi phục nông nghiệp bị tàn phá, vừa giải quyết đời sống nông dân, vừa đảm bảo lương thực cho quân đội của ông. Chính điều đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng của Tào Tháo. Đông Ngô, Thục Hán sở dĩ cũng có đủ thực lực, giữ được thế cân bằng với Tào Tháo và con cháu ông sau này nhờ sớm học tập chính sách phát triển đồn điền với mô hình tương tự.
“Tào Tháo là nhà chính trị kiệt xuất thời phong kiến, xứng đáng được gọi bằng hai chữ anh hùng”, nhà nghiên cứu Trung Quốc Tào Hồng Toại nhận định.
Nhân dân Nhật báo, Cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1959 từng đăng tải bài phân tích của viện trưởng Viện khoa học Trung Quốc, chỉ ra những đóng góp to lớn của Tào.
“Tào Tháo đã phải làm tấm gương của kẻ phản diện hơn một ngàn năm đầy oan uổng”, bài báo viết. Nhà lịch sử Trung Quốc nổi tiếng Tiễn Bách Tán cũng yêu cầu khôi phục lại danh dự cho Tào Tháo.
______________________