Thổ Địa là vị thần thủ hộ về đất đai nhà ở. Danh xưng chính thức của Ngài là “Phước Đức Chính Thần” . Trong dân gian còn xưng là “Hậu Thổ”, “Xã Thần”, “Xã Công”, “Bá Công”, “Thổ Địa” hoặc “Phúc Thần” . Ở các nơi thờ phụng ngoài trời hay Miếu Vũ thì tôn xưng là “Phước Đức Chính Thần”.
*Đất nước chúng ta (TQ) từ xưa lấy nông nghiệp làm gốc, cho nên trăm họ đều coi trọng đất đai, vì có đất mới có thể sản xuất ra ngũ cốc để ăn mà sống. Vì thế, đối với đất đai có sự biết ơn rất lớn, từ đó, sinh ra tâm lý sùng bái và sáng tạo ra một vị thần đất để thờ phụng. Thổ Địa Công hiện hữu là như vậy.
*Đời nhà Châu, cứ 25 nhà thì gọi là một xã. Mà đã lập ra xã, thì hàm nghĩa là đã có “đất”. Thế nên sau khi lập thành xã, thờ vị thần đất gọi là “Thổ Địa Công”. Mỗi xã lập ra một cái “đàn” để cúng Thổ Địa, cầu cho trúng mùa no ấm.
*Theo truyền thuyết thì Thần Hậu Thổ là vị chưởng quản hết tất cả đất đai chung cả nước, vậy Thổ Địa Công là vị coi sóc vùng đất nhỏ của địa phương nào đó. Phàm người lúc sống mà có công đức với vùng đất nào đó, thì khi chết được phong làm Thần Thổ Địa. Sở dĩ Thổ Địa được tôn xưng là “Phước Đức Chính Thần” là vì lúc xưa, các tụ lạc gọi là “Xã” và gọi thần Thổ Địa là “Xã Công”.
Lúc mới bắt đầu thờ thì còn rất là trừu tượng, về sau mới nhân cách hóa bằng hình ảnh hai vợ chồng, gọi là Xã Công và Xã Mẫu, cũng gọi là “Thổ Địa Công” và “Thổ Địa Bà”. Đó là vị thần tượng trưng cho đạo nghĩa của đất nước. Vì thế, Thổ Địa là vị thần đứng đầu trong hàng các thần được thờ cúng.
*Ngày xưa, việc cúng tế trời đất chỉ dành riêng cho vua chúa mới được cúng , gọi là “Xuân Thu nhị tế” (cúng vào hai mùa Xuân Thu). Do đó, dân gian mới tạo ra hình tượng Thổ Địa Công để nói lên sự biết ơn đối với đất đai trồng trọt mà khỏi phạm vào luật cấm của vua quan.
Đất nước ta (TQ) theo nông nghiệp là chính, nên trước khi vào vụ trồng cấy, cúng vái Thổ Địa phù hộ cho trúng mùa, đến lúc thu hoạch thì cúng Thổ Địa để tạ ơn được mùa. Lần đầu cúng gọi là “Xuân kỳ”, lần sau cúng gọi là “Thu báo”.
-Ngày xưa, lễ “Thu báo” thường là vào ngày rằm tháng tám, tức là lúc đã thu hoạch xong mùa vụ, vừa cúng tạ ơn trúng mùa, vừa cầu xin phước lộc với Ngài “Thổ Địa Công”. Có lẽ đây là nguồn gốc của Tết Trung Thu ngày nay vậy.
*Việc sùng bái Thổ Địa phát triển mạnh vào thời Minh Thái Tổ. Theo “Lang Nha Mạn Sao” nói rằng, Minh Thái Tổ sinh ra đời trong một cái Miếu Thổ Địa, cho nên thời nhà Minh, số lượng Miếu Thổ Địa tăng rất nhiều, không nơi nào là chẳng có.
*Việc tạo ra hình tượng Thổ Địa Công cũng nói lên được những nét đặc thù về chức trách của Ngài. Đó là một ông già râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy tượng trưng cho sự gìn giữ đất, một tay cầm khối vàng hoặc ngọc như ý, là nói đây là Thần Tài của vùng đất. Nếu nơi nào có được những người đỗ đạt trạng nguyên, tiến sĩ (ngày nay là hương trưởng, huyện trưởng) thì Thổ Địa nơi đây có thêm chiếc “mão quan”.
*Trong dân gian, ngoài việc thờ Thổ Địa Công làm thần đất, còn thờ thêm Tài Thần và Phúc Thần, vì dân gian tin rằng, hễ “có đất là có tiền”, do đó, Thổ Địa Công được các thương gia tôn làm “thần thủ hộ”.
Truyền thuyết nói rằng,Ngài ngoài chức trách giúp cho nông dân trúng mùa, còn thêm chức năng trấn yểm quỉ thần, giải trừ xua đuổi ác ma. Vì thế, dân gian hay đến miếu để thỉnh Ngài về nhà trừ tà ma yêu quái. Về sau mới phát triển dần đến việc mỗi nhà đều có thờ “Ngũ Thần” trong đó có Thổ Địa Công.
Còn nhà nào không thờ Thổ Địa thì mỗi tháng vào ngày mùng hai và mười sáu. Bày hương án ra trước cửa cúng vái Thổ Địa Công, từ đó hình thành tập quán cúng Thổ Địa vào hai ngày sau ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) (tức là ngày mùng 2 và ngày 16) (*Ngày nay trở thành cúng cô hồn chiến sĩ-ND)
*Hình tượng thờ Thổ Địa thường là một vị đầu đội mão, hai bên mão có hai tua phủ xuống đến vai. Mặt vuông mà đầy đặn, hai mắt hơi híp, tóc bạc râu dài bạc, dáng dấp hiền hòa dễ thương. Mình ngồi ghế “thái sư”, tay phải cầm ngọc như ý hoặc cầm trượng, tay trái nắm “khối vàng”, hai vai là đầu và đuôi rồng thêu trên áo lộ ra, bụng to nổi lên rất đẹp, hai chân buông xuống theo thế tự nhiên. Trong ý tưởng của dân gian hai âm “phúc” (bụng) và “phúc” (trong phúc đức) là giống nhau, cho nên người ta dùng hình tượng “bụng to” để nói lên sự “được phúc lớn”.
*Truyền thuyết về Thổ Địa Công rất nhiều :
* Phước Đức Chính Thần họ Trương tên Phước Đức, sanh vào ngày mùng hai tháng hai đời Chu Vũ Vương năm thứ hai. Từ nhỏ, tỏ ra thông minh và rất hiếu thảo. Đến năm 36 tuổi, làm quan thâu thuế của triều đình. Ông rất liêm chính, thương xót bá tánh khổ sở, nên đã tâu xin giảm nhiều hạng mục thuế vụ, dân chúng rất sùng kính.
Đến năm thứ ba đời Chu Mục Vương thì từ trần, thọ một trăm lẻ hai tuổi. Chết đã ba ngày mà mặt không đổi sắc, có một nhà nghèo kia đem bốn tảng đá lớn xây thành ngôi nhà bằng đá để thờ phụng ông. Chẳng bao lâu sau, nhà nghèo kia trở nên giàu có, mọi người đều tin là do thần ân hộ trì, nên chung lại mà xây thành Miếu Thờ , lễ lạy kim thân Ngài.
Những người buôn bán thường đến cúng bái, được Ngài gia hộ nhiều may mắn. Vị quan thâu thuế thay Ngài rất tham lam, bóc lột nhân dân thậm tệ, ai nấy rất oán giận. Do đó, người ta tưởng nhớ đến lòng tốt của Trương Phước Đức thêm nhiều, và miếu thờ của Ngài trở thành Miếu Thờ “Phước Đức Chính Thần”.
*Lại có một truyền thuyết khác, vào đời Thương ,Chu, vị quan thượng đại phu ở triều đình, trong nhà có một tên đày tớ họ Trương tên Minh Đức. Người con gái nhỏ của quan đại phụ nhớ cha, nhờ người đày tớ họ Trương nầy ẳm đi thăm cha. Nhưng trên đường xa, ngày nọ bổng trời đổ tuyết xuống rất nhiều, đứa con gái nhỏ sắp chết cóng, nhưng nhờ họ Trương xả thân lấy hết quần áo ủ ấm cho bé gái thoát chết, còn bản thân anh ta thì bị chết vì lạnh lúc quay trở về nhà.
Khi người nghĩa bộc vừa chết, trên không trung bổng hiện ra tám chữ “Nam Thiên Môn Đại Tiên Phước Đức Thần”. Mọi người lấy làm kinh dị, cho rằng thiên đình đã phong chức cho người nghĩa bộc họ Trương . Còn vị quan đại phu cảm niệm ơn đức cứu mạng con mình, dã cho xây Miếu Thờ. Đến đời Chu Vũ Vương được người đời tặng là “Hậu Thổ”, cho nên Thổ Địa Công mới có danh hiệu “Phước Đức Chính Thần”.
*Cũng có truyền thuyết nữa là, vua Tần Thủy Hoàng bạo ngược, bắt dân xây dựng Vạn Lý Trường Thành, người chồng của nàng Mạnh Khương tên Hàn Kỷ Lang cũng bị bắt đi làm xâu (sưu), chẳng may bị chết dưới thành. Nàng Mạnh Khương đi tìm xác chồng nhưng không gặp, liền khóc đến nổi lật cả tường thành lên, hiện ra vô số bộ xương người, không có cách nào biết được xương của ai.
Có một lão ông xuất hiện bảo:-“Trích máu của người vợ nhỏ vào xương, nếu xương nào hút máu cực nhanh, thì đó là xương của chồng. Nếu tìm được xương của chồng cô rồi, tôi nguyện làm người giữ mộ”. Nàng Mạnh Khương nghe theo, quả nhiên nhận ra hài cốt của chồng, cùng ông lão đem chôn cất. ông giữ lời hứa, ở mãi nơi đó giữ mộ đến cuối đời. Từ đó có truyền thuyết về “hậu thổ” là vì thế.
*Trong sách “Lễ Ký—Giao Đặc Tính” có ghi:- “Người gia chủ là “trung lựu” , tức là người đứng đầu của “xã” (làng)” (Thần Trung Lựu tức là Thổ Thần).
*Sách “Lã Thị Xuân Thu—Mạnh Đông Ký” chép:- “Nầy là tháng tốt, từ công xã đến xóm ấp, hưởng “ngũ kỷ” của tổ tiên” (Ngũ kỷ gồm:- Mộc là thần Câu Mang, cúng để giữ nhà, Hỏa là thần Chúc Dung, cúng để giữ bếp, Thổ là Hậu Thổ, cúng thần Trung Lựu (hậu thổ tức là “xã”), Kim là thần Nhục Thu, cúng để giữ cửa, Thủy là thần Huyền Minh, cúng để giữ giếng).
*Sách “Bạch Hổ Đạo Nghĩa” nói rằng:- “Ngày xưa, từ thiên tử đến thứ dân, ai cũng được phong đất để lập ra “xã”, lấy phước của người ấy mà báo công. Người mà không đất thì không thể lập ra “xã”, không có ngũ cốc thì chẳng có cái để ăn, cho nên phong đất lập “xã” ắt phải có Thổ Địa vậy” Hoặc :-“Xã tức là Thần Thổ Địa vậy”, Hậu thổ của người gọi là “Xã Thần” hay “Thổ Thần”.
*Trong “Thần Dị Điển—Xã Tắc chi thần Tổng bộ luận” có nói:- “Bậc tiên nho cúng tế Thần Ngũ Thổ tại mỗi “xã”. Ngũ Thổ là:- một là rừng núi, hai là sông ngòi, ba là gò đống, bốn là sình lầy, năm là đồng bằng. Đời nhà Minh gọi “xã” tức bây giờ gọi Thổ Địa. Phàm ở chỗ có đất, người mới nương tựa được, nên phải cúng đất”.
Cho nên, bất cứ nơi nào cũng phải có “Xã Thần”, bởi vì dù lớn như một nước, nhỏ như một địa phương, nếu chẳng luận đến tôn ti trật tự thì không thể tồn tại được”. Lại nói thêm :- “Đầu ruộng đuôi ruộng đều là của Thổ Địa Công” để thể hiện sự tôn kính đối với thần xã. Thưở ban sơ, vị nào đến một nơi hoang vu để khai phá, cũng hết sức vất vả khổ sở và chịu nhiều hiểm nguy mới biến thành đất bằng, tạo nên làng xã. Những vị nầy rất xứng đáng được người sau tôn thờ làm Thổ Địa Công lắm vậy !
*Sách Hiếu Kinh Vĩ nói:- “Thần xã tức là sao Khuê của đất đai. Đất đai ngày nay được rộng lớn chẳng thể không kính trọng người có công khai phá, vì thế phong Thổ Địa làm Thần Xã , là cách tưởng nhớ công ơn người trước vậy”.
*Sách “Xuân Thu Tả Truyện” viết:-“Thần Cộng Công có người con trai tên Câu Long, giúp Chuyên Húc an định chín vùng đất, nên thành ra Hậu Thổ, lại phong làm Thượng Công, khi cúng tế thì gọi là Thần Xã”.
*Sách “Lễ Ký—Vương Chế” có viết:- “Cúng tế cho “xã” của vua làm cỗ lớn, cúng tế “xã” của chư hầu làm cỗ nhỏ.” Lại nói:- “Vua hợp nhiều người lại làm “Xã”. Xã là Hậu Thổ, để cho dân thờ cúng”. Vậy nói Hậu Thổ tức là nói vị thần của “Xã” vậy.
*THỔ ĐIA CÔNG là thần thủ hộ của một địa phương làng xã, quản lý hết đất đai của mọi người mọi nhà. Nên tục ngữ nói “Trang đầu trang vĩ Thổ Địa Công” (đầu xóm cuối xóm cũng là đất của Thổ Địa). Vì thế, nơi nào cũng phải thờ kính, người người đều phải cúng. Từ người buôn bán đến nông dân…ai cũng hết sức thành tâm cúng tế Ngài.
Thổ Địa Công đã từ “thần đất” chuyển hóa thành “thần người”, biểu lộ tinh thần “Trời người hợp một” của người Hồng Kông, thành ra quan niệm có tính cách “đa thần”, dung hợp được chủ thể và khách thể một cách hài hòa.
Ngày nay, tuy xã hội đã có nhiều tiến bộ về khoa học, nhưng niềm tin về Thổ Địa Công vẫn không mất. Từ những nhà hàng lớn, hảng xưởng, công ty, tiệm quán đến từng nhà mọi người… đâu đâu cũng thấy có sự hiện diện của Thổ Địa Công. Bởi vì Ngài là Phước Thần, Tài Thần mang lại sự phồn vinh giàu có cho mọi người, niềm tin về Ngài có lẽ mãi mãi không bao giờ mất.
*Hàng năm vào ngày mùng hai tháng hai âm lịch (Xuân Kì) và ngày rằm tháng tám (Thu Kì) . chúng ta nên cúng tế Thổ Địa Công để cảm tạ ân đức của Ngài.
*Ngày vía chính thức của Phước Đức Chính Thần là ngày mùng hai tháng hai âm lịch.