Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Chùa Bà Thiên Hậu (Chợ Lớn)


Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếungười Hoagọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa. Chùa hiện tọa lạc tại số 710 đườngNguyễn Trãiquận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lịch sử

Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ "điền", nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hánngười Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức,...đầu phía bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía tây đường lớn có chùa Thiên Hậu, gần phía tây có Ôn Lăng Hội Quán...

Kiến trúc

Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng cùa người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh".
Chùa có gắn các tượng tròn, phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường... do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908.
Kiến trúc độc đáo này được Vương Hồng Sển khen ngợi:
...Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch xây liền mí không tô hồ, đếm rỡ từng tấm một, lằn hồ thẳng đường thẳng lối khít rịt và ngay bon như vẽ, thiệt là rất khéo và tưởng chừng thợ kim thời khó làm sắc sảo hơn được nữa. Truy ra chùa nầy trùng tu năm 1860 (Hàm Phong năm thứ 10). Ngày nay đứng sân chùa ngắm lên các cảnh chưng trên nóc bằng đồ gốm nung bên Tàu là biết được những phong tục Trung Hoa cổ thời, thuở vua chúa còn trị vì: đả võ đài, thi đậu vinh quy, công chúa tuyển phò mã, v.v... những vật này đáng được liệt kê vào sổ cổ tích vậy.

Thờ cúng

Tiền điện là hai trang thờ hai bên: Phúc Đức Chánh thần (phải) và Môn Quan Vương Tả (trái). Tại đây có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước.
Trung điện đặt bộ lư có năm món (ngũ sự) đúc năm Quang Tự thứ 12 (1886).
Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương (phía phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía trái).
Được biết pho tượng Bà Thiên Hậu tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1m, có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòavà đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan ThánhĐịa TạngThần Tài.
Chùa Bà Chợ Lớn hàng ngày vẫn đón tiếp những người đến cúng lễ khá đông. Nhưng đông hơn là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên đánTết Nguyên tiêuTết Đoan ngọ... Đặc biệt, ngày 28 Tết, chùa tiến hành lễ cúng Bà và Lễ khai ấn, cầu mong Bà phò trợ cho "Hộ quốc an dân" và "Hợp cảnh bình an". Riêng ngày vía Bà (23 tháng 3 [âm lịch]) được xem là ngày hội chính của chùa.
Vào ngày này, bà con người Hoangười Việt đến cúng lễ rất đông. Ngay từ đêm hôm trước tại chùa đã cử hành Lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, mọi người lại tổ chức Lễ rước Bà: Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát, tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa...


Cổ vật quý

Chính điện chùa còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Trong tủ kính lớn ở chính điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D'Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách. Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía Bà với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà.
Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, 1 lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.


Giá trị

Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn có một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa (Quảng Đông).
Sự tích Bà Thiên Hậu, qua người kể đôi khi có ít nhiều dị biệt nhưng chủ yếu vẫn là đề cao một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người...Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục.
Mặt khác trên bước đường nguy nan, nhiều sóng gió [2] khi sang vùng đất mới để mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp họ vượt qua được mọi trở ngại và được an cư lạc nghiệp. Để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu có vị trí quan trọng đối với người Hoa và cả người Việt.
Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 7 tháng 1 năm 1993.
Các cơ sở hoạt động từ thiện xã hội của chùa Bà Thiên Hậu là Trường THCS Mạch Kiếm Hùng và bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Chùa cũng là nơi dung chứa ông Mạch Kiếm Hùng, một chiến sĩ cách mạng.
Ngoại trừ chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn, ở Thành Phố Hồ Chí Minh có ít nhất 6 nơi khác cũng thờ bà Thiên Hậu: Miếu Thiên Hậu (134 Nguyễn Thị Minh Khaiquận 1), Quảng Triệu hội quán (122 Bến Chương Dương, quận 1), Quỳnh Phủ hội quán (276 Trần Hưng Đạo, quận 5), Tam Sơn hội quán (116 Triệu Quang Phục, quận 5), Hà Chương hội quán (802 Nguyễn Trãi, quận 5), Quần Tân hội quán (2 Lý Thường Kiệtquận Gò Vấp).








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét