Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

‘hoa văn truyền thống trên gốm sứ Trung Quốc’



Ý nghĩa một số biểu tượng hoa văn truyền thống trên gốm sứ Trung Quốc
Hoa văn trên gốm sứ  đóng một vai trò rất quan trọng, ngoài việc làm tăng mỹ quan của sản phẩm gốm sứ, nó con mang những ý nghĩa sâu xa mà người nghệ nhân muốn gửi gắm vào trong đó.
Khi quan sát các sản phẩm gốm sứ Trung Quốc, bạn thường bắt gặp những họa tiết, hoa văn rất phong phú và đa dạng. Dưới đây là ý nghĩa của một số hoa văn truyền thống:
Nhị long hý châu:
HVgom1
Hình ảnh 2 chú rồng và 1 quả cầu lửa. Rồng là 1 trong “tứ linh”, “tứ linh” gồm: long, lân, quy, phụng. Trong “Quảng nha” có viết: “Có vảy là giao long, có chân là cù long, không chân là thanh long”. Theo truyền thuyết, long châu được xem là một bảo châu, có thể tránh nước, lửa. Nếu hoa văn là hình ảnh nhiều chú rồng ôm quả cầu lửa thì gọi là “quân long hí châu”. Nếu hoa văn là hình hai chú rồng lượn vòng quanh chữ “thọ” thì gọi là “vân long bổng thọ”, với ý nghĩa cát tường, an lành.
Long phụng trình tường:
Hoingo2
Hình ảnh một con rồng và một con phượng hoàng. Theo truyền thuyết, rồng là một con vật có vảy, có ý nghĩa may mắn. Phượng hoàng là loài có lông, mang ý nghĩa tôn kính. Hình tượng Rồng – Phượng này ngụ ý về một đất nước thái bình, hạnh phúc, giàu sang; đó là tượng trưng của sự cát tường và may mắn. Vì vậy, họa tiết này còn có tên gọi “long tường phụng thụy”.
Quy hạc tề linh:
HVgom3
Hình ảnh một con Rùa và một con Hạc. Rùa là một trong “tứ linh”, tượng trưng cho sự trường thọ, có thể báo hiệu điềm lành dữ. Thơ văn xưa thường được khắc trên mai rùa. Trong “Nhĩ nha – Dịch trùng” có viết: “Thập quy: nhất thần quy, nhị linh quy, tam nhiếp quy, tứ bảo quy, ngũ văn quy, lục lam quy, thất sơn quy, bát dịch quy, cửu thủy quy, thập hỏa quy”. Hạc trong truyền thuyết xưa là một loài chim tiên, trong “Tước bào cổ kim chú” có viết: “Hạc thiên niên tắc biến thành thương, hựu lưỡng thiên tuế tắc biến hắc, sở vị huyền hạc dã” (Qua ngàn năm, hạc biến màu xanh; qua hai ngàn năm, hạc biến thành đen; nên gọi là hạc huyễn hoặc). Vì vậy, người xưa xem hạc là loài chim tượng trưng cho sự trường thọ.
Tùng hạc diên niên:
HVgom4
Gồm hình ảnh hạc tiên và cây tùng. Người xưa xem tùng là đại diện cho trăm cây, ngoài ý nghĩa trường thọ, tùng còn là đại diện của khí tiết. Họa tiết “tùng hạc diên niên” vừa mang ý nghĩa trường thọ, vừa mang ý nghĩa khí tiết thanh cao, còn được gọi với tên “tùng hạc đồng xuân”.
Tuế hàn tam hữu:
HVgom5
Đó là bộ tùng, trúc, mai. Trúc thể hiện sự thanh cao, không khuất phục, như hai anh em Bá Di và Thúc Tề người nước Cô Trúc cuối thời Thương, sau khi Chu Võ Vương diệt nhà Thương, hai anh em không chịu ăn lương thực của nhà Thương, cùng chết đói trên núi. Mai là loài chịu lạnh giỏi, Dương Duy Chân đời Minh từng có thơ ca ngợi như sau: “Vạn hoa cảm hướng tuyết trung xuất, nhất thụ độc lãm thiên hà thanh”. Vì vậy, tùng, trúc, mai được gọi là “tuế hàn tam hữu” để ca ngợi phẩm chất, khí tiết cao nhã. Tô Đông Pha đời Tống từng nói: “Có thể ăn không cần thịt, nhưng sống không thể thiếu trúc”.
Thọ tỉ nam sơn:
Hình ảnh núi, sông (biển) và cây. Trong “Thư kinh” có “như nam sơn chi thọ”, trong những câu đối trước kia thường gặp “phúc như Đông hải trường lưu thủy, thọ tỉ Nam sơn bất lão tùng” hoặc “phúc như đông hải, thọ tỉ nam sơn”, đều ngụ ý hạnh phúc và trường thọ, còn gọi là “thọ sơn phúc hải”.
Tam tinh cao chiếu:
HVgom7
Gồm 3 vị lão thần tiên, theo truyền thuyết, “tam tinh” gồm phúc tinh, thọ tinh và lộc tinh. Phúc tinh quản về họa phúc, lộc tinh quản về phú quý, thọ tinh quản về sinh tử. “Tam tinh cao chiêu” tượng trưng cho hạnh phúc, phú quý và trường thọ.
Niên niên hữu dư:
HVgom8
Hình ảnh hai con cá voi. Trong tiếng Hán, chữ “dư” đồng âm với chữ “ngư”. Họa tiết thể hiện khao khát về một cuộc sống sung túc của con người. Nếu họa tiết là hình đầu và đuôi hai con cá voi dính vào nhau, gọi là “liên niên hữu dư”, nếu là hình người con gái đang cầm con cá gọi là “phúc phúc hữu dư”, nếu là hình một chú bé cầm cục đá, một chú bé giữ con cá gọi là “cát khánh hữu dư”.
Mã thượng phong hậu:
HVgom9
Hình ảnh một chú ngựa cõng trên lưng một con khỉ. “Hậu” chỉ chức quan lớn ngày xưa. Họa tiết “mã thượng phong hậu” ngụ ý ước nguyện thăng tiến. Họa tiết là hình một con khỉ lớn cõng một con khỉ nhỏ gọi là “bối bối phong hầu”.
Thái sư thiểu sư:
Hình ảnh một con sư tử lớn và một con sư tử nhỏ. Chữ “sư” trong sư tử đồng âm với chữ “sư” trong sư phụ, dùng hiện tượng đồng âm này để thể hiện ước vọng được thăng quan tiến chức. Nếu là hình ảnh một con rồng lớn và một con rồng nhỏ thì gọi là “giáo tử thành long”.
Bát bảo liên xuân:
Gồm 8 vật bảo bối, bảo bối phân làm 2 loại: bát bảo phật gia và bát bảo tiên gia. Bát bảo Phật gia gồm: tù và, dù, cái vung, hoa sen, bình bảo bối, cá vàng, bàn dài; thường được gọi là “luân, la, tản, cái, hoa, hàng, ngư, trường”, gọi tắt là “bát bảo”. Bát bảo tiên gia gồm 8 vật hộ thân: trống da cá, bảo kiếm, lẵng hoa, hồ lô, cái vợt, cái quạt, bàn âm dương, sáo.
Bát tiên quá hải:
Hình ảnh 8 vị tiên tay cầm bảo bối, dưới chân sóng lớn. Tục ngữ có câu: “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” (mỗi vị có một sắc thái khác nhau). 8 vị tiên đó là: Trương Quả Lão, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cữu, Thiết Quải Lý, Hán Trung Li, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa. Người xưa kể lại rằng, trên đường đến mừng thọ Vương nương nương, 8 vị tiên phải vượt qua biển Đông Dương, mỗi vị đều sử dụng bảo bối hộ thân của riêng mình để vượt qua sóng to gió lớn. Hình ảnh “bát tiên quá hải” thể hiện sự thần thông, nhạy bén của con người.
Thiên nữ tản hoa:
HVgom13
Hình ảnh tiên nữ, tay cầm giỏ đựng hoa vụn. Trong kinh Phật, các tiên nữ thường cải trang để thử lòng cũng như phẩm hạnh của các đệ tử Phật giáo.
Trường mệnh bách tuế:
HVgom14
Hình một con gà trống, phía dưới là những hạt châu nhỏ. Xưa, các em nhỏ thường đeo trên cổ một sợi dây, trên mặt có chữ “trường mệnh bách tuế”, như là một vật hộ thân, chống lại bệnh tật.
Kì lân tống tử:
HVgom15
Là hình ảnh một em bé ngồi trên lưng con kì lân. Kì lân tượng trưng cho điềm lành, là dấu hiệu của sự như ý, cát tường. Hình ảnh em bé ngồi trên lưng kì lân thể hiện khát vọng sinh con trai của con người.
Ngũ bức bổng thọ:
HVgom16
Hình ảnh 5 con dơi vây quanh quả đào mừng thọ. Trong tiếng Hán, chữ “bức” (con dơi) đồng âm với chữ “phúc”. Theo quan niệm người xưa, 5 cái phúc của con người là “thọ, phú, khang ninh (an khang), tu hảo đức, khảo chung mệnh”.
Giáo tử thành danh:
Hình ảnh gà trống cất cao cổ gáy, xung quanh là 5 con gà con, ngụ ý gà trống đang dạy con. Ngoài ra, còn có những tên gọi khác như : “ngũ tử đăng khoa”, “giáo tử thành long”, “vọng tử thành long”, “nhất phẩm đương triều”.
Ngọc đường phú quý:
Hình ảnh hoa ngọc lan (ngọc), hoa hải đường (đường), hoa mẫu đơn (phú quý). Có khi là hình ảnh 5 quả hồng cùng hoa hải đường, gọi là “ngũ thế đồng đường”.
Anh hùng đấu trí:
Hình ảnh chim ưng tranh đấu với gấu. Trong “Bản thảo” có viết: “Hổ ưng dực triển chi dư, năng bác hổ” (chim ưng có đôi cánh rộng, to hơn hổ. Trong “Kinh thư” có viết về gấu như sau: “Duy hùng duy bãi, nam tử chi dạng”. Cả 2 đều tượng trưng cho sức mạnh. Hình ảnh chim ưng, gấu tranh đấu nhau thể hiện khí phách anh hùng, đại trí đại dũng.
Tóm lại, trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài, với sản phẩm đa dạng và phong phú, đặc biệt là gốm xanh và gốm màu, họa tiết hoa văn trên gốm sứ đều có nét riêng, sinh động, bút pháp điêu luyện, tinh xảo, mang đậm dấu ấn dân gian. Đây chính là những di sản văn hóa dân gian vô cùng quý báu của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét