Trong 24 tiết khí trong năm, có Tiểu Thử, sau đó là Đại Thử, Tiểu Tuyết sau đó có Đại Tuyết, Tiểu Hàn sau đó có Đại Hàn. Nhưng Tiểu Mãn sau đó không có Đại Mãn, là vì sao ?
Tiểu Mãn, thường là vào khoảng 26 tháng Tư đến 11 tháng Năm âm lịch (khoảng 21/5 đến 5/6 dương lịch)hàng năm, là nửa sau của tháng Tư tính theo tháng 24 tiết khí, (Tháng Tư theo tiết khí là từ tiết Lập Hạ qua tiết Tiểu Mãn đến tiết Mang Chủng.)
Về Khí tượng học và Nông học để xét, thì vào khoảng thời gian này, các loại cây trồng, chủ yếu là cây lương thực với giống truyền thống đang vào thời kỳ “sắp chín”, “chưa chính hẳn” tức còn vơi, chưa thật căng hạt, “chưa mãn”, là lúc mọi nông dân chờ đợi sẽ mãn hẳn mới thu hoạch, hoặc phải tranh thủ thu hoạch “xanh nhà hơn già đồng” để tránh sắp có lũ lụt đến làm ngập úng hết, sẽ mất ăn. Trong khoảng thời gian 15 ngày này của tiết Tiểu Mãn, như ở Miền Trung thường là có “Lụt Tiểu Mãn”, tức là lụt không lớn, một mặt dễ gây ngập úng cho những cánh đồng thấp, mặt khác lại đem nước về vừa đủ cho làm mùa, trước khi vào hè nắng nóng. Đây là khoảng thời gian mà nông dân theo dõi sát sao về thời tiết để vừa tránh bị hại đối với vụ trước sắp thu hoạch vừa tranh thủ lợi dụng nước trời để làm vụ sau, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhờ vào nước trời. Cho nên dùng từ “Tiểu Mãn” với nghĩa đen của nó là đối với nghề Nông. Nhưng sau đó không có “Đại Mãn”, vì thực tế sau đó là vào hè nắng nóng, không thể có “Đại Mãn”, nếu có thì phải đến tháng Tám âm lịch, vào mùa mưa bão mới gặp. Hơn nữa là vào Thu rồi, nên “Đại Mãn” không đại diện cho thời tiết mùa Thu. Chính vì vậy trong 24 tiết không có tiết “Đại Mãn”.
Nhưng đằng sau cụm từ tiết “Tiểu Mãn” lại ẩn chứa một nét văn hóa, một quan niệm triết lý sâu sắc của người đời trong đó.
Tiểu Mãn, tức đầy vừa vừa thôi, tức là không đầy hẳn, cũng không quá vơi. Thể hiện nét văn hóa ứng xử đối với bản thân, đối với người, với vật, v.v… đều lấy mức độ “Tiểu mãn” là tốt nhất, đẹp nhất. Ví như, khi ta rót nước mời khách, chỉ rót đến mức nửa của ly nước, thì thấy không lịch sự, không nhiệt tình. Nhưng rót đầy ắp, thì khách cho là chủ quá coi thường mình, coi mình tham. Cho nên lấy mức đầy vừa vừa, mức “Tiểu Mãn” + 7/10 là hợp lý. Hoặc đối với bản thân mình, như hiện nay các nhà khoa học khuyên nên ăn vừa đủ no, khoảng 7/10 là tốt cho sức khỏe, hoặc trong quan hệ với người không nên “cạn tàu ráo máng”, tức là nên để lại cho người ta khoảng 3/10 về lối ra, về lợi ích, về thể diện, v.v…Hoặc nói về vấn đề gì đó, cũng nên một phạm vi nào đó để cho người ta suy nghĩ, lựa chọn. Như người xưa nói “cửu bất quá” (9 điều không quá : Mặc không quá ấm, không quá mong manh; Ăn không quá no; Ở không quá rộng; Đi không quá nhanh, quá vội;Làm không quá sức, quá mệt; Nghỉ không quá lâu, quá dài, quá tĩnh; Giận không quá độ; Danh không quá đòi hỏi; Lợi không quá tham.)
Về triết học mà nói, nếu rót nước đầy tràn ly, tức đến giới hạn cuối cùng, không còn không gian để rót tiếp, phát triển tiếp, coi như một lần là xong, là hết, không còn khát vọng, không còn hy vọng, không còn có tâm lý chờ đợi ngóng trông, nhớ nhung, lưu luyến, không còn sợi giây níu kéo, gắn bó dài dài, mà là đến điểm quá no, chán ngấy, muốn vứt bỏ. Cho nên không nên có “Đại Mãn” và cũng không biết thế nào mới là “Đại Mãn”. Vì thế người xưa luôn gián tiếp dạy rằng, không bao giờ cho là đã đủ đầy, là nhất mọi thứ, không chỉ để tránh thắng không kiêu, mà còn tạo cơ sở vật chất cho bại không nản ở chỗ, vẫn còn quảng không gian, cơ hội nằm ở chỗ 3/10 để tiếp tục phấn đấu, để thua keo này bày keo khác. Nếu không có dư địa 3/10 này, gặp thất bại là bại luôn, nản luôn, làm sao không nản được. Vì như vậy là đã tự chặn con đường đi tới, tự hủy không gian phát triển tiếp, ý chí phấn đấu tiếp của mình mà chỉ có đi xuống mà thôi. Như đã leo lên tận đỉnh núi rồi làm sao còn không gian để đi tiếp được, đi tiếp tức là đi xuống núi.
Đây cũng là một lý do mà người xưa không đặt ra tiết “Đại Mãn” mà mãi mãi chỉ “Tiểu Mãn” thôi.
Trong cuộc sống hiện nay, không ít trường hợp khi đứa trẻ đạt nhiều thành tích thì đẩy con lên mây. Như ly nước đầy tràn, không còn không gian phát triển. Khi thành tích học tập của đứa trẻ đạt thấp, lại coi như thất bại nặng nề, không còn hy vọng. Như ở TQ thời gian gần đây có không ít ý kiến phê phán tư duy “Vĩ, Quang, Chính” (vĩ đại, quang vinh, chính xác), tức là đẩy lên cực điểm, quá nhất rồi, không còn khát vọng, động lực để phấn đấu tiếp.
Cho nên cái không gian, cái dư địa từ “Tiểu Mãn” đến “Mãn”, từ 7/10 đến 10/10, tức 7/10 và 3/10 này vô cùng quan trọng. ,
Nếu kết quả hoặc thực lực mới đạt là 5/10 hoặc dưới 5/10, tức là chưa tạo được thực lực để tự tin, nên cũng không tạo được thực lực để hy vọng. Chỉ khi đạt được 6/10 trở lên, nhất là khi đạt được + 7/10 là tốt nhất, nếu đạt 10/10, lại dễ dẫn đến quá tự tin và mất khát vọng. Còn cái 3/10 này là mảnh đất sản sinh nuôi dưỡng khát vọng, hy vọng, tiền đề điều kiện vật chất tinh thần cho không ngừng phát triển bền vững lâu dài.
Những cấp độ này không phải tự nhiên có, mà phải luôn chủ động tạo ra cho mình, luôn giữ lấy nó, không để nó biến mất đi, vì nó luôn ở trạng thái động, rất dễ bị biến mất.
Có thể nói đây là một nét văn hóa, một triết lý sống, hết sức sâu sắc, thiết thực, một sức mạnh vô cùng lớn, ở khắp mọi việc, mọi nơi, mọi lúc, mọi tầng lớp con người, nhưng lâu nay lại bị coi thường, bị đánh mất, luôn cổ vũ chạy theo “Đại Mãn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét