Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội Quán)

Hội quán Quảng Triệu
Miếu Thiên Hậu ở gần khu trung tâm thành phố: số 122 Bến Chương Dương, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trong miếu Thiên Hậu trước kia có Quảng Triệu Hội Quán, nay hội quán không còn sinh hoạt. Vị thần chính được thờ ở đây là bà Thiên Hậu, nên tên chính chính thức được ban quản lý di tích đặt cho cơ sở tín ngưỡng này là "miếu Thiên Hậu". Đối diện với miếu Thiên Hậu là chợ cầu Ông Lãnh nên có người gọi miếu là "chùa Bà cầu Ông Lãnh" (để phân biệt với miếu Bà ở Chợ Lớn và miếu Bà ở quận 3).
Miếu Thiên Hậu được xây dựng năm Đinh Hợi - Quang Tự thứ 13 - nhà Thanh (1887). Năm 1920 miếu bị cháy, năm 1922 miếu được tái lập. Ban trị sự bang Quảng Đông - Sài Gòn đứng ra tổ chức tái lập miếu. Một số vật liệu xây dựng được chở từ Trung Quốc qua. Năm 1972, miếu được trùng tu và xây dựng thêm. Một phần của hai bên trục phụ của miếu được đúc thêm tầng lầu, mái lợp tôn. Việc xây dựng thêm đã ảnh hưởng đến kiểu kiến trúc khung gỗ, mái ngói thuần phác của Trung Quốc. Từ năm 1972 đến nay (1998) hàng năm ban quản trị miếu thường cho sơn phết lại tường, cửa, gia cố lại một số tượng bằng giấy bồi...
Mặt bằng tổng thể của miếu được chia thành 3 trục: trục chính ở giữa và hai trục phụ hai bên. Ba trục kết hợp với nhau tạo thành một mặt bằng hình chữ nhật. Người ta còn gọi kiểu mặt bằng này là hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Tổng diện tích toàn bộ khuôn viên của miếu Thiên Hậu là: 54,68m x 22,04m = 1200,7m2. Các thành phần trên trục chính gồm:
Hàng hiên; Sân thiên tỉnh; Nhà niệm; Tiền điện; Trung điện; Chính điện. Hai trục phụ của công trình được bố trí đối xứng qua trục chính. Nửa phía trước của hai trục phụ dùng để làm trường học, nửa phía sau để thờ cúng. Phần giữa được đúc thêm một tầng lầu (1972) để làm văn phòng và nghỉ ngơi cho ban quản lý miếu. Trên mái trục chính được trang trí rất nhiều tượng gốm. Trên mặt dựng đầu hồi của trục chính và trục phụ đều có bo gờ chỉ uốn lượn như hình ngọn sóng biển dâng cao (phần này được quét vôi màu xám). Kiểu mái ngói thẳng có trang trí tượng gốm trên đỉnh và mặt dựng đầu hồi kiểu đặc trưng cho các công trình kiến trúc tôn giáo của người Hoa - Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh.
Kết cấu công trình miếu Bà: công trình được xây bằng gạch xanh chở từ Trung Quốc qua. Gạch có kích thước 23cm x 16cm x 10cm làm bằng bột đá xanh, chất kết dính là vôi và mật. Người ta không tô phía ngoài tường mà để gạch trần, lộ ra vẻ đẹp của vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng cao. Miếu được lợp bằng ngói xanh, theo kiểu âm dương tiểu đại hay ống ngõa. Cuối mái có đường diềm tráng men xanh.
Bộ khung chịu lực của miếu bằng gỗ, được dựng theo kiểu chồng rường - đấu cũng. Các thanh chống đứng trong bộ vì kèo được chạm khắc hoa văn. Toàn bộ công trình có 14 hàng cột: trong đó 13 hàng cột gỗ có kích thước đường kính 0,3m, chân kê cột bằng đá có chạm khắc nhiều kiểu: chân vuông, bát giác, hoa sen. Về điêu khắc ở miếu Thiên Hậu được thể hiện rất phong phú cả về hình thức, nội dung và chất liệu:
++ Điêu khắc gốm: là điểm nổi bật của công trình này. Từ xa đã nhìn thấy những tượng gốm gắn trang trí trên đỉnh mái. Bước vào sân ta thấy tượng gốm gắn dày đặc hai bên tường. Tượng được gắn ở sân thiên tỉnh, hai bên nhà niệm... Tượng gốm tráng men, màu sắc phong phú, thể hiện người, vật, nhà cửa, cung điện, hoa lá... Những mảng tượng gốm thường dựng lại những tuồng tích trong lịch sử Trung Quốc được sản xuất ở Sài Gòn năm 1887 và gốm của lò Bửu Nguyên sản xuất năm 1922.
++ Điêu khắc gỗ: được thực hiện trên vì kèo, phù điêu, cửa, câu đối, hoành phi, trang thờ, bàn thờ. Đặc biệt là 3 trang thờ ở chính điện và các mảng chạm gỗ phía trước của 4 bàn thờ (3 ở chính điện, 1 ở trung điện) do tiệm Ký Hòa Hiệp ở Sài Gòn sản xuất.
++ Điêu khắc đá: thể hiện ở phần bó vỉa mặt tiền, các bệ cột. Đặc biệt có hai cặp lân đá: một cặp nhỏ ở bậc tam cấp, một cặp lớn ở thanh ngang phía trên hàng hiên.
Trong di tích miếu Thiên Hậu có 23 hiện vật có giá trị, nổi bật nhất trong số đó là 3 bộ lư và các bức tượng bằng giấy bồi.
  1. Bộ lư thứ nhất: đặt ở trung điện, trên bàn thờ Ngọc Hoàng, gồm 5 món (còn gọi là bộ ngũ sự) được làm bằng chất liệu: thiếc pha chì.
  2. Bộ lư thứ hai: đặt ở chính điện, trên bàn thờ Long Mẫu nương nương, gồm 5 món: một lư trầm, 2 chân nhang, 2 chân nến được làm bằng chất liệu: chì. Bộ lư có đề "Quang Tự thứ 13" (1887).
  3. Bộ lư thứ ba: đặt ở chính điện, trên bàn thờ bà Thiên Hậu, gồm 2 chiếc bằng nhau và lư có quai hình đầu thú được làm bằng chất liệu: đá trắng có vân màu nâu.
Các bức tượng bằng giấy bồi gồm: 2 bức tượng bà Thiên Hậu và 2 bức tượng hầu gái, tượng bà Kim Hoa và 2 cô hầu gái, tượng Long Mẫu và 2 cô hầu gái. Thờ bà Thiên Hậu là một hình thức tín ngưỡng từ quê hương Trung Quốc được người Hoa - Quảng Đông mang theo khi di cư đến Việt Nam. Ngày lễ chính của miếu Thiên Hậu là ngày vía Bà: 23 tháng Ba âm lịch (ngày sinh).
Trước ngày giải phóng 30/4/1975, trong ngày lễ có các nghi thức như: tắm bà, múa lân, hát Quảng, bán đấu giá đèn lồng nay đã được giản lược đi. Ngày vía Bà chỉ còn dâng cúng lễ vật như: heo quay nguyên con, gà luộc, vịt quay, bánh bò, bánh lá liễu, bánh ngọt, hoa tươi, nhang nến, giấy tiền - vàng - bạc... Sau khi dâng cúng lễ vật, người ta mua một vòng nhang treo trong miếu để cầu an cho gia đình. Trong số người đến cúng phần đông là người Hoa, có một số là người Việt. Các vị được thờ chung trong miếu gồm:
  1. Kim Hoa nương nương;
  2. Thiên Địa phụ mẫu;
  3. Văn Xương;
  4. Tề Thiên Đại Thánh;
  5. Hoa Ông - Hoa Bà;
  6. Thanh Long;
  7. Thái Tuế;
  8. Bảo Thọ;
  9. Quan Thánh (có thêm Châu Xương, Quan Bình và ngựa Xích thố);
  10. Long Mẫu nương nương;
  11. Bắc Đế;
  12. Quan Âm;
  13. Bạch Vô Thượng;
  14. Thần Nông;
  15. Bạch Hổ;
  16. Ngọc Hoàng;
  17. Bao Công;
  18. Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài);
  19. Thiên Quan Tứ Phước (ông Thiên);
  20. Phúc Đức Chánh Thần (Thổ Địa);
  21. Môn quan Vương Tả (Quan gác cửa);
  22. Cửu Thiên Huyền nữ.
Ngoài lễ vía Bà là ngày lễ lớn nhất, trong năm còn những ngày lễ khác cũng được cúng lớn như: tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Trung thu, ngày vía của các vị thần khác thờ trong miếu như: vía bà Kim Huê - 17 tháng Tư âm lịch, vía bà Long Mẫu - 8 tháng Năm âm lịch, vía Quan Công - 24 tháng Sáu âm lịch, vía Thần Tài - 22 tháng Bảy âm lịch, vía Ngọc Hoàng - 9 tháng Giêng âm lịch. Trong một tháng thì ngày Sóc (mùng một), ngày Vọng (ngày rằm) khách đến cúng rất đông. Những dịp như đầy tháng con, họ cũng đem lễ vật đến cúng thần.
Hoạt động tích cực của miếu là công tác từ thiện và tài trợ cho giáo dục. Miếu đã chi một phần thu nhập từ lễ vật cho việc cứu trợ thiên tai, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo. Thường xuyên tài trợ cho trường học tiếng Hoa ở ngay trong khuôn viên miếu (bên phần trục phụ), đó là "Trung tâm Hoa văn Nhật Tân - Quận I". Do có những giá trị đặc sắc về kiến trúc, điêu khắc và lịch sử, miếu Thiên Hậu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 722-QĐ/BVHTT ký ngày 25/4/1998.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét